Hôm nay vô tình xem được chương trình dậy chó trên kênh National Geography của anh Ceasar, sao mà thấy nó liên quan ghê gớm đến việc nuôi dậy con trẻ đến thế cơ chứ. Nghe kỳ lạ nhỉ. Nhưng không hề nhé.
Trong chương trình đó có một chú chó rất nghịch ngợm, luôn cắn tất cả mọi thứ trong nhà, nuốt cả tất, dẫn đến việc thường xuyên bị nhốt ở trong lồng. Gia đình gần như đã tuyệt vọng vì không thể trị được chú chó cưng của mình và quyết định tìm đến trợ giúp của chuyên gia. Sau khi quan sát hoạt động bình thường ở nhà thì chuyên gia phát hiện ra rằng chính hành động đuổi theo để lấy lại đồ vật của chủ khiến chú chó trở nên tăng động và mất kiểm soát hành vi. Và cách khắc phục được đưa ra là mặc kệ chú chó khi chú cắn tất. Và kết quả là sau một thời gian chú chó không con hứng thú với việc đấy nữa.
Với con trẻ, chúng ta cũng nên áp dụng phương pháp để bé “chơi đến chán”. Mỗi giai đoạn bé sẽ có hứng thú đặc biệt với một món đồ, một hoạt động, hay một câu hỏi nào đấy. Và cha mẹ có trách nhiệm để bé khám phá một cách đầy đủ nhất. Sẽ có lúc bé đặt ra cho cha mẹ 1 câu hỏi đến 100 thậm trí 1000 lần, và cha mẹ vẫn phải trả lời 100 hay 1000 lần đấy mà không được xua bé đi với những câu như “đã trả lời rồi mà”, hoặc “hỏi lắm thế”… Bé sẽ thôi không hỏi nữa khi hoàn toàn hiểu vấn đề, và những câu trả lời đó của bố mẹ sẽ dần dần triệt tiêu đi tính tò mò khám phá của bé. Hoặc như khi bé chơi một thứ gì đó nhưng bố mẹ lại can thiệp không cho bé chơi nữa hoặc hướng bé ra một hoạt động khác. Điều này sẽ làm bé mất đi khả năng tập trung vào một việc, và khiến bé trở nên thụ động trong việc đưa ra quyết định của mình mà sẽ ỉ lại vào người khác. Tóm lại, hãy cho bé được tự do làm việc mà bé muốn, trong bao lâu mà bé thích, miễn là bé không làm ảnh hưởng đến người khác hay gây hại đến chính mình.
Trong câu chuyện về chú chó kia, một bài tập khác được đưa ra đó là cả gia đình sẽ đi xe đạp và dắt theo chú chó. Tuy nhiên không được quá tập trung vào chú chó mà cứ làm mọi thứ một cách bình thường. Ban đầu gia đình nghĩ chú chó sẽ lồng lộn lên và không nghe lời. Nhưng thực tế chú chó hoà nhập rất tốt với hoạt động của gia đình. Mục đích của hoạt động này để chú chó thấy mình là một phần của gia đình, và con người là thủ lĩnh.
Liên hệ lại với việc nuôi dậy con, khi con cảm thấy mình là một phần của gia đình, thì những hành động quậy phá chống đối cũng giảm đi đáng kể. Và cách tốt nhất để làm cho con cảm thấy điều đó không phải chỉ là ngồi ăn chung một bàn, tối đến ngủ chung dưới một mái nhà, mà chính là sự tương tác qua lại giữa các thành viên trong gia đình một cách bình đẳng. Khi còn bé, con cũng giống như động vật, có khả năng đọc cảm xúc của người lớn rất tốt. Khi trẻ thấy mọi hành động của mình đều bị gia đình phản ứng một cách giữ dội, trẻ sẽ tự cô lập mình. Hoặc khi trẻ nhận được quá nhiều sự chú ý, trẻ sẽ cảm thấy mình khác với những thành viên còn lại của gia đình. Điều này có tác động không tốt đến sự phát triển trí lực của trẻ. Đừng nghĩ “trẻ con bé tí không biết gì”, cũng đừng đối xử với trẻ như một đứa con nít. Tôn trọng trẻ, cho trẻ tham gia vào quá trình xây dựng ý kiến, đưa ra quyết định… trẻ sẽ học được trách nhiệm một cách tự nhiên nhất.
Nuôi dạy con cũng là một “công việc”. Và bạn hẳn đã quá quen với câu “choose a job you love and you will never have to work a day”. Cứ tận hưởng việc nuôi dạy con bằng thật nhiều tình yêu thương, kiên trì và nhẫn nại. Chắc chắn bạn sẽ thành công!
-CB-
Bình luận