Tình yêu là một thứ sức mạnh có thể giúp con người ta làm được rất nhiều thứ. Tình yêu tạo ra được đam mê, và đam mê tạo ra được tất cả những điều tuyệt vời nhất trên thế giới. Một đầu bếp đam mê nấu ăn sẽ tạo ra được những món ăn chạm đến lòng thực khách, một nhiếp ảnh gia đam mê nghệ thuật sẽ tạo ra được những bức ảnh siêu lòng người, một diễn giả đam mê với đề tài của mình có khả năng lay động khán giả của mình, và một người đam mê một người khác có thể làm mọi thứ.
Điều kỳ diệu của tình yêu chính là sự vô điều kiện của nó. Một khi chúng ta dành tình yêu cho thứ gì, chúng ta có thể bất chấp mọi thứ để yêu nó. Chằng phải đây chính là lí do để Steve Jobs có thể bỏ ngoài tai mọi ý kiến để theo đuổi tầm nhìn của mình đến cùng, dù chính ông đã bị đuổi khỏi công ty do chính mình tạo ra, 2 lần? Trong mối quan hệ giữa con người với con người, sự vô điều kiện này làm tình yêu trở nên trong sáng, ngây thơ, và ngọt cực kỳ ngọt ngào.
Thế nhưng bây giờ, chúng ta gán cho tình yêu quá nhiều điều kiện, từ vật chất đến tinh thần. Các cô gái nhìn vào ví tiền của các chàng trai trước khi yêu, rồi tình yêu giữa bố mẹ và con cái cũng đã có những điều kiện nhất định. Mọi thứ dường như không còn tự nhiên như vốn dĩ nó phải như vậy nữa. Và hệ quả là gì? Chúng ta cảm thấy bị gò bó bởi chính tình yêu đấy, và rồi mọi thứ càng trở nên tệ hơn.
Vậy lý do là gì, và từ đâu lại xuất hiện điều kiện trong tình yêu? Thật khó để tìm ra được nguồn gốc của vấn đề nằm ở đâu. Có thể là do lười? Hay là do thích khoe mẽ? Hay chính từ sự thiếu tình yêu? Dần dần ngày qua ngày, khi các hành động đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, nó trở thành một thói quen, một tiêu chuẩn, và không ai quan tâm đến lí do của nó nữa.
Con người ta vốn tò mò, và ai cũng muốn có những trải nghiệm mới. Và thế là chúng ta bỏ tiền ra để có những trải nghiệm đấy, dù là một chuyến đi, một kỳ nghỉ, hay một Phương tiện mới. Lâu dần, chúng ta coi việc sở hữu những thứ đó là thước đo của thành công, của hạnh phúc. Và chúng ta cứ thế lao theo. Tuy nhiên nên nhớ, nếu mua được người khác bằng tiền, điều đó có nghĩa giá trị sẽ “hao mòn” theo thời gian.
Chúng ta muốn cảm nhận được tình yêu, và chúng ta coi việc thể hiện tình yêu ra ngoài là thước đo cho cái tình yêu đấy. Và chúng ta dùng mọi cách để nhận được những cử chỉ ấy, bằng tiền, bằng quà, hay bằng quyền lực. Chúng ta làm những việc này mà không hề hay biết, với chính con của mình, ngay từ thuở nhỏ, và chúng ta luôn tìm ra được lí do khách quan để bào chữa. Khi còn nhỏ, chúng ta muốn con phải thơm, phải ôm ta thì ta mới cho chúng chơi đồ chơi của chúng. Rồi khi lớn lên, chúng ta bắt con phải làm cái này cái kia, nếu không ta sẽ giận. Những đứa con sẽ miễn cưỡng làm tất cả những việc đó, để được chơi đồ chơi chúng thích, để khỏi phải nghe cằn nhằn. Nhưng những hành động đấy đâu bắt nguồn từ tình yêu. Đấy là hệ quả rất tai hại khi chúng ta dùng các điều kiện để chiếm được tình yêu. Và rồi đến một ngày chúng ta nhận ra, tình yêu đâu ý nhỉ?
Tình yêu vô điều kiện là tình yêu mãnh liệt nhất, vì chúng ta có thể cho mà không cần nhận lại. Khi gán điều kiện vào nó, tình yêu chỉ đơn thuần mà một mối quan hệ cộng hưởng, mà khi điều kiện mất đi, thì mối quan hệ cũng không còn.
-KN-
Bình luận