Trong số chúng ta, chắc chắn rằng không thì nhiều, chúng ta được bố mẹ đem ra so sánh với con ông A, con bà B, con của cô C, con của bác D, và n các cá nhân khác gộp chung là “con nhà người ta”. Chúng ta thường “được” so sánh như vậy khi đạt điểm số chưa cao, ăn chưa nhiều, làm chưa giỏi, hay vì bất kỳ lý do nào đó chưa được vừa ý phụ huynh. Đứng trên cương vị cha mẹ, so sánh như vậy với hi vọng tạo ra động lực cho con mình cố gắng hơn nữa. Tuy nhiên, liệu làm như vậy có nên?
Khi còn nhỏ, tôi là một đứa trẻ thông minh, nắm bắt kiến thức mới rất nhanh (bây giờ vẫn thế :P), nhưng lại hơi lười học. Nếu một môn nào đó tôi cảm thấy hứng thú, tôi sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu môn đó và sẽ đạt thành quả rất tốt. Còn với những chủ đề tôi không hứng thú, việc học đối với tôi chỉ là sự đối phó để không bị điểm số quá thấp. Và đương nhiên, tôi rất hay được so sánh với nhiều con của nhiều người khác nhau. Và những sự so sánh đấy, không những không đem lại động lực cho tôi, mà còn làm tôi cảm thấy khó chịu khi phải gặp những người như vậy. Và điều làm tôi không phục, đó chính là tôi bị so sánh mặt này với người này, rồi mặt khác với một người khác. Mỗi một lĩnh vực tôi đều bị mang ra để so sánh với một cá nhân khác nhau. Điều này tạo ra cho tôi một cảm giác bố mẹ mình có lẽ muốn mình làm siêu nhân.
Khi ta so sánh con mình với con nhà người ta trên bất kỳ lĩnh vực nào, vô tình chúng ta đang phủ nhận những cố gắng và thành quả của trẻ. Lần 1 lần 2 có thể trẻ sẽ cố gắng để cha mẹ vui lòng, nhưng nếu sau mỗi lần như vậy, cha mẹ lại có một sự so sánh khác, chắc chắn rằng trẻ sẽ không cảm thấy được tôn trọng. Hơn nữa, điều này khiến trẻ cảm thấy mặc cảm khi tiếp xúc với xã hội, nẩy sinh tâm lý sợ bị so sánh, và qua đó sẽ thu hẹp phạm vi tiếp xúc của mình. Điều này có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển của trẻ cả về trí lực lẫn tinh thần.
Ai cũng biết cha mẹ luôn muốn được “nở mày nở mặt” với thiên hạ. Các trẻ cũng nhận biết được điều đó. Tuy nhiên cha mẹ cũng nên hiểu chính xác khả năng của con mình như nào, và cố gắng tạo lập một môi trường tốt nhất để trẻ có thể đạt được những thành quả tối da trong khả năng của mình. Nên luôn tìm cách động viên khen ngợi những thành tựu của trẻ, tạo tâm lý an tâm cho trẻ, để trẻ thoải mái phát triển.
Yêu thương còn là làm những gì tốt nhất cho con, chứ không phải muốn con trở thành công cụ để khoe khoang tốt nhất cho bố mẹ.
-KN-
Bình luận