Nói thì chắc chắn 100% các bố các mẹ bảo “tôi đâu dậy con bạo lực đâu”. Nhưng thực tế, người lớn vô tình tiêm nhiễm cho trẻ con ý thức về bạo lực từ khi còn rất nhỏ mà không hề ý thức được hành động của mình. Chúng ta luôn nói với nhau rằng luôn phải đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu cho họ, nhưng chúng ta lại luôn quên áp dụng điều này lên chính bé của mình.
Trên con đường phát triển của mình, trẻ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và khám phá thế giới qua những giác quan khác nhau. Thông thường, trẻ sẽ học cách điều khiển cơ thể mình từ trên xuống dưới, theo trình tự đầu, tay, chân. Đó là lí do vì sao trẻ sẽ biết đưa mắt nhìn theo đầu tiên, rồi đưa tay ra với, rồi mới đến dùng chân. Và khi trẻ đang hoàn thiện kỹ năng của mình, có những hành động của trẻ bị người lớn gán cho những danh từ không thân thiện cho lắm.
Ví dụ, trẻ đang ở giai đoạn khám phá bằng miệng. Bất cứ thứ gì trẻ có thể với được, trẻ sẽ cho vào mồm. Trong giai đoạn này, cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác, người lớn sẽ dễ có những nhận xét như: “sao lại cắn bạn như thế”. Hoặc như khi trẻ đang hoàn thiện kỹ năng tay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trẻ vung tay lung tung với đồ vật cũng như người. Nhưng người lớn thì lại nói rằng “sao lại đánh bạn như thế”. Rồi một nhóm các bé sàn sàn tuổi nhau chơi với nhau, do hoàn cảnh và lịch trình phát triển khác nhau, có bé to hơn bé khác, có những kỹ năng mà các bé kia chưa có, liền được gắn biệt danh “sư phụ”. Tất nhiên những lời này chỉ mang tính chất đùa và không hề có ác ý gì. Nhưng với con trẻ, việc bị nhận xét từ quá sớm về những hành động như vậy bước đầu đã hình thành khái niệm về bạo lực.
Ngoài ra, việc người lớn hay “đánh chừa”, dùng người này người kia để doạ bé nhằm ép bé làm một việc gì đấy, cũng gieo dắt vào đầu bé khái niệm về bạo lực, và dần dần, bé sẽ dùng lời lẽ đe doạ, hoặc chính động tác “đánh chừa” để đạt được điều bé muốn với các bạn khác.
Con trẻ như tờ giấy trắng, và bức tranh được vẽ trên đó như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi ứng xử của người lớn và môi trường được tạo ra xung quanh trẻ. Trẻ học rất nhanh, nên người lớn cần hết sức cẩn thận với những hành động và lời nói của mình.
Hãy làm người lớn có trách nhiệm!
-KN-
Bình luận