Có khi nào bạn mắng con rằng “sao con hư thế” khi con làm một việc gì đấy bạn cho là không đúng? Có khi nào bạn thấy có một khoảng cách vô hình giữ bạn và con? Có khi nào bạn thấy con thật khó bảo? Nhưng có bao giờ bạn suy nghĩ TẠI SAO và cố gắng giải thích hành vi của con thay vì đổ lỗi lên con? Dưới đây là một số hành vi tiêu biểu và lí do của nó.
Dễ nổi nóng
Bạn thấy con bạn rất dễ nổi nóng, la hét, tỏ thái độ không đồng tình với những việc bạn cho là nhỏ như cái móng tay, và bạn thấy con thật là hư, không biết kiềm chế gì hết. Và rồi có thể bạn cũng nổi nóng và quát mắng con. Nhưng bạn có biết, chính vì bạn hay quát mắng con, nên con mới trở nên như vậy.
Trẻ con có rất nhiều nhu cầu khác nhau thay đổi qua từng giai đoạn. Và ở nhiều giai đoạn, những hành vi của con không đúng với ý của người lớn. Ví dụ như sẽ đến giai đoạn trẻ thành lập ý thức cá nhân, và trẻ sẽ muốn được đối xử công bằng. Bạn đưa con đi ăn bánh, con đòi cả cái bánh, nhưng bạn lập tức không đồng ý và mắng con không biết tiết kiệm khi con cứ nằng nặc đòi. Khi bạn mắng con, con bạn bị ức chế về tâm lý khi chúng có một nhu cầu mà không được giải quyết. Trẻ con chưa có khái niệm tiết kiệm là gì và chúng cũng chưa thể cân đối được giữa ý muốn và khả năng của mình. Chính vì vậy chúng rất cần bạn phải kiên nhẫn và chỉ bảo dậy dỗ. Thay vì mắng con, bạn có thể hoàn toàn giải quyết theo hướng: nói với con là lần này bạn sẽ mua cả cái bánh to cho con, nhưng nếu con không ăn hết, thì lần sau chỉ mua một miếng nhỏ thôi. Với cách thỏa hiệp này, con bạn sẽ được giải quyết nhu cầu của mình, còn bạn có cơ hội dạy con sau khi con không thể ăn hết.
Khi bị mắng, trẻ sẽ bị ức chế về tâm lý khi trẻ không thể hiểu nổi vì sao bố mẹ lại mắng mình khi mình đang muốn khám phá. Người lớn chúng mình cũng thế thôi, khi làm một việc gì đấy mà mình không biết là sai và bị sếp mắng, bản thân chúng ta cũng thấy rất bực tức, cảm thấy sếp chẳng hiểu gì cả và thật không công bằng. Chắc chắn bạn không muốn con mình có những cảm nghĩ như vậy phải không. Vì vậy, hãy thật kiên nhẫn với con và cùng nhau trải qua các vấn đề từ lớn tới nhỏ với sự tôn trọng.
Con nhút nhát
Bạn được nghe phản ánh từ giáo viên, bạn quan sát khi đưa con đi chơi, bạn thấy rằng, con mình thật nhút nhát. Tôi dám cá rằng, bạn là một người rất tháo vát, tự lập, và có thể tính cách rất mạnh mẽ. Bạn cực kỳ yêu con, chắc chắn rồi. Nhưng bạn hãy đọc tiếp để xem có thấy “quen quen” không nhé.Bạn được nghe phản ánh từ giáo viên, bạn quan sát khi đưa con đi chơi, bạn thấy rằng, con mình thật nhút nhát. Tôi dám cá rằng, bạn là một người rất tháo vát, tự lập, và có thể tính cách rất mạnh mẽ. Bạn cực kỳ yêu con, chắc chắn rồi. Nhưng bạn hãy đọc tiếp để xem có thấy “quen quen” không nhé.
Bạn cho con ăn dặm bằng rau củ hấp – quá tuyệt. Tuy nhiên bạn thấy con ăn thật lâu và thật bừa, và bạn chọn cách đút cho con – không tuyệt chút nào. Con bạn chơi đồ chơi rất bừa, bạn không thể chịu được khi con cất dọn quá lâu mà không gọn gàng, và bạn cất đồ chơi cho con. Con bạn đang giúp bạn một việc gì đấy: lau nhà, quét nhà, nhặt rau, …, trong khi con đang rất hào hứng với công việc đấy thì bạn lại chạy ra và làm hết, với lí do “con làm lâu quá để đấy mẹ làm”. Còn rất nhiều những ví dụ khác nữa mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày đang dần dần biến con thành một người nhút nhát, ỉ lại.
Người lớn chúng ta khi mới học một kỹ năng nào đấy đều cần nhiều thời gian và những lần đầu tiên luôn luôn chậm chạp, bừa bộn, và không chỉn chu. Nhưng sau nhiều lần thực hiện công việc đó, chúng ta có thể thực hiện một cách thuần thục. Trẻ con cũng vậy, chúng cần nhiều thời gian để hoàn thiện một kỹ năng của chúng, mà ở tuổi của trẻ thì đều là những kỹ năng cơ bản, như dùng tay, dùng chân. Bạn thử nghĩ mà xem, nếu chúng ta muốn học nhào bột làm bánh, nhưng thầy của chúng ta ngay từ đầu khi thấy chúng ta nhào không được, liên chạy ra và làm hộ chúng ta, và rồi thần kỳ chúng ta đã có một cục bột đạt chuẩn ngay trước mặt. Liệu có bao giờ chúng ta biết cách làm ra cục bột đấy không? Và bạn có muốn con mình cũng có trải nghiệm như vậy không?
Trẻ con rất hứng thú trong việc khám phá những điều mới, hoàn thiện kỹ năng, và giúp đỡ bố mẹ. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện tối đa để con được thỏa mãn nhu cầu đó, kiên nhẫn chỉ bảo, dậy dỗ con, cùng con hoàn thiện kỹ năng của mình. Chỉ có như vậy, con bạn mới có ý thức về việc lao động, không ngại khó, và luôn tiếp cận vấn đề với suy nghĩ “nếu ta làm nhiều lần, chắc chắn ta sẽ thành công”. Và điều này thật quan trọng biết bao.
Thiếu tôn trọng.
Bạn luôn dậy con phải tôn trọng yêu quý ông bà cha mẹ, tôn trọng thầy cô người lớn tuổi, tôn trọng ý kiến của người khác. Nhưng con bạn lại hoàn toàn ngược lại. Và điều này làm bạn rất thất vọng. Hãy cùng tìm hiểu nào.
Bạn muốn con mình yêu thương ông bà bố mẹ người thân, và bạn nói với con những điều như: “con hãy gọi điện hỏi thăm ông bà đi”, hoặc “con cần phải quan tâm đến mọi người hơn nữa”, hoặc “con phải nghe lời mẹ”. Đến khi con lớn hơn, bạn muốn con phải đi học thêm môn này môn kia, lớp này lớp nọ, bạn muốn con mình cầm kỳ thi họa, cái gì cũng phải biết, cái gì cũng phải giỏi. Bạn tự động đưa ra những quyết định của mình cho con và luôn tâm đắc rằng, quyết định đó thật đúng đắn. Nhưng bạn không biết, bạn đang giết đi lòng tự tôn của con bạn. Mà đến chính bản thân mình còn không tôn trọng, thì còn tôn trọng được ai khác?
Bạn thử nghĩ xem, bạn đi làm, và bạn rất thích công việc của mình. Đột nhiên, sếp chuyển bạn sang bộ phận khác, đảm nhiệm một nhiệm vụ hoàn toàn khác, và nói với bạn rằng “điều này tốt cho công ty và tốt cho bạn”. Bạn sẽ cảm nhận như thế nào? Nhiều người sẽ thấy thật chán và họ sẽ bỏ việc. Khi bạn muốn con làm một điều gì đấy mà không hỏi ý kiến con trước, có khả năng con không muốn thực hiện điều đấy. Nhưng vì đó là mệnh lệnh của cha mẹ, con không có được quyền từ bỏ. Và đứa trẻ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, thấy rằng mình luôn bị bắt làm những việc chằng hay ho gì. Và chúng sẽ mang thái độ đấy với những việc chúng làm, với những con người xung quanh chúng. Và điều này là một thảm họa.
Trong tất cả các mối quan hệ, sự tôn trọng lẫn nhau luôn là yêu tố then chốt để mỗi quan hệ đấy bền vững và phát triển. Thay vì ra lệnh cho con, bạn hãy cùng con bàn bạc và đưa ra một quyết định chung vừa lòng với cả hai bên. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và bình tĩnh rất lớn từ cha mẹ.
Tính cách và hành vi của một con người không phải tự nhiên mà có, mà nó là kết quả của cả một quá trình tiếp xúc với môi trường xung quanh. Qua một vài ví dụ nho nhỏ trên đây có thể thấy, sự nhẫn nại và khả năng kiềm chế bản thân của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dậy một đứa trẻ độc lập, mạnh mẽ, và quyết đoán. Do vậy khi nói rằng con hư, chúng ta nên nhìn lại bản thân mình và tự kiểm điểm, rằng liệu chúng ta đã có được những “kỹ năng” và “suy nghĩ” chuẩn chưa. Nuôi con cũng chính là cơ hội cho chúng ta nhìn lại bản thân mình. Chúng ta có “ngoan” thì con mới “ngoan” được.
-KN-
Bình luận