Thế nào là phát triển bình thường?

Các bố các mẹ có con nhỏ hẳn đã trải qua những lần Khám Định Kỳ của con, đặc biệt với những người lần đầu làm cha mẹ, là những hoang mang khi nghe các bác sĩ “phán” về con mình với các mỹ từ như “thiếu cân”, “thiếu canxi”, “suy dinh dưỡng”, “phát triển chậm”, v.v. Và rồi khi về nhà, lại được nghe từ ông bà những câu như: “con nhà ông A mới được x tháng mà đã biết abc xyz rồi, trong khi con nhà mình từng này tháng rồi chưa biết gì cả”. Hoang mang chồng chất hoang mang, và tội vạ đâu các bé chịu hết. Vậy như thế nào mới là phát triển bình thường.

IMG_8874

Trước hết, chúng ta phải luôn nhớ rằng, mỗi cá nhân là một thực thể riêng biệt, mỗi con người mang những đặc điểm về tính cách cũng như thể chất khác nhau. Do vậy, không thể nào dùng chung một công thức để đánh đồng tất cả mọi người được. Chúng ta chỉ có thể tham khảo các giới hạn để phát hiện những điều bất thường, chứ không thể nào dùng đó làm thước đo cho sự phát triển của mỗi người. Với trẻ, không phải bé nào cũng “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” cả; không phải bé nào cũng tháng đầu tăng 1,5kg, tháng 2 tăng 1kg, và cũng không phải bé nào cũng phải trải qua từng đấy giai đoạn để phát triển. Nhiệm vụ của làm cha làm mẹ là hiểu được con mình, từ đó so sánh các quá trình phát triển của con với nhau, chứ không phải so sánh với con người khác.

Về các chỉ số

Với trẻ trước 2 tuổi, cân nặng không phải là chỉ số quan trọng nhất. Trong giai đoạn này, cơ thể tập trung một lượng lớn dinh dưỡng để phát triển bộ não. Theo khoa học, trong 2 năm đầu, não của trẻ phát triển được 85% so với khi trưởng thành. Não phát triển sẽ khiến đầu to lên, và do vậy, vòng đầu mới chính là chỉ số quan trọng nhất. Tuy nhiên khi đi khám định kỳ, chỉ số này thường xuyên bị bỏ qua. Bố mẹ có thể tham khảo bảng phát triển tại đây. Bố mẹ nên lưu ý, nếu chu vi vòng đầu của trẻ nhỏ hoặc to hơn so với giới hạn trên dưới ở độ tuổi của trẻ, bố mẹ nên cho con đi khám để phát hiện sớm các bệnh liên quan đến não.

IMG_5975

Cân nặng, tuy không quan trọng như vòng đầu, nhưng cũng là một chỉ số có thể nói lên được nhiều điều. Tuy nhiên, sự phát triển về cân nặng ở các trẻ là không giống nhau. Những trẻ sinh ra nhẹ cân thường sẽ tăng nhiều hơn ở những tháng đầu tiên. Nếu các bé vẫn ăn ngủ và hoạt động bình thường, nhanh nhẹn hoạt bát, thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng nếu con mình có hơi nhẹ hơn các bạn khác. Vì đơn giản là đẻ ra 2.1kg hay 4.5kg thì khi lớn lên cũng 70kg thôi (thực tế trong gia đình mình^^).

Về vận động

Hầu hết các bé đều trải qua các giai đoạn lẫy – ngồi – bò – đứng – đi, nhưng không phải là tất cả. Nhiều bé bỏ qua tất cả để đứng lên và đi. Có những đứa biết đi sớm nhưng lại biết nói muộn. Điều này hoàn toàn là bình thường và bố mẹ không nên vì con nhà người khác biết làm cái này cái kia mà con mình chưa biết lại hốt hoảng nghĩ con mình phát triển không bình thường. Những sự vận động đấy đến từ bên trong, khi nào bé cảm thấy mình đủ khả năng để thực hiện các động tác đấy và bé muốn thực hiện thì bé sẽ thực hiện. Bé không chịu bất kỳ tác động bên ngoài nào hết.

IMG_5836

Về các kỹ năng của bé, bố mẹ nên chú trọng vào khả năng phản ứng với các đồ vật, khả năng dùng tay dùng chân hơn là các kỹ năng kia. Ví dụ: trẻ 1 tháng chỉ có thể nhìn xa từ 25-30cm nhưng đã có khả năng phản ứng với âm thanh quen thuộc (của mẹ hoặc người thân), trẻ 3 tháng đã có thể ê a và bắt chước biểu hiện trên gương mặt mẹ, hoặc như trẻ 4-7 tháng có thể dùng tay để kéo các vật dụng về phía mình. Các mẹ có thể tham khảo bảng này (tiếng việt hoặc tiếng anh) để biết được các mốc phát triển của con mình. Bố mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ nếu như ở các cột mốc này mà con chưa có được những kỹ năng đó.

Nuôi “con bé” là bước đệm về tinh thần rất quan trọng để bố mẹ có thể nuôi “con lớn” sau này, khi không phải chỉ có vòng đầu, cân nặng cần được chú ý, mà là những vấn đề tâm sinh lý phức tạp, cũng như nhiều vấn đề liên quan đến việc hình thành nhân cách cho con. Làm cha làm mẹ cần phải trang bị cho mình những kiến thức tốt nhất, hiểu rõ và áp dụng chính xác mới có thể giúp bé lớn lên và phát triển một cách “tự do”. Nên nhớ, mỗi cá nhân đều riêng biệt, và không có bất kỳ một công thức chung nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Hãy yêu thương bé bằng thái độ khách quan nhất để bé được thoải mái phát triển khả năng riêng của mình.

-KN-

Bình luận

Related news
Show Buttons
Share On Facebook
Share On Twitter
Share On Google Plus
Share On Pinterest
Contact us
Hide Buttons
X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?